Diễn biến Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như

Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên là Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh TP.HCM, Quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của 9 công ty, 4 ngân hàng, 3 cá nhân.[3] Các ngân hàng bị lừa là Ngân hàng Công Thương (Vietinbank), Ngân hàng ACB, Ngân hàng Nam Việt và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB),[4] Ngân hàng Quốc tế VIB chi nhánh TP.HCM 180 tỷ đồng.[5] Công ty cổ phần chứng khoán SaigonBank - Berjaya (viết tắt là SBBS)bị gạt 210 tỷ đồng.[6]

Huy động vốn với lãi suất cao

Có con dấu giả, Như và đồng bọn đã trực tiếp dùng các hợp đồng giả và chữ ký giả huy động vốn từ các ngân hàng, doanh nghiệp, công ty chứng khoán để vay vốn với những lời mời hết sức hấp dẫn như: Ngoài lãi suất 14% theo quy định còn trả thêm ngoài hợp đồng 8 - 10%/năm. Nhiều doanh nghiệp đã sập bẫy.

các doanh nghiệp đều tin là Như dùng hợp đồng thật, con dấu thật. Vì vậy, họ đã gửi tài liệu xin mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Công thương, chi nhánh TP HCM để Như mở hộ. Chính điều này đã tạo điều kiện cho Như làm giả chữ ký chủ tài khoản ngay từ khi mở tài khoản. Tiền cho vay gửi vào tài khoản thanh toán của doanh nghiệp cho phép Như tự trích. Sau khi tất toán hợp đồng thì tự hủy; hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn được thế chấp vay vốn ở ngân hàng khác trừ Ngân hàng Công thương và chuyển tiền về những "địa chỉ" do Như sắp đặt.

Ngay sau khi nhận được tiền vay, Như chuyển tiền mặt và chuyển khoản trả sòng phẳng cho các cá nhân đã "tạo điều kiện" cho Như tại các ngân hàng, doanh nghiệp theo thỏa thuận. Vì vậy, trong một thời gian dài Như có uy tín rất lớn.

3 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Công ty Hưng Yên bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa với số tiền bị mất lên tới xấp xỉ 1.600 tỷ đồng.

Đánh tráo hồ sơ mở tài khoản, giả chứng từ để chuyển tiền rút tiền

Là Giám đốc Phòng Giao dịch của Ngân hàng Công thương, hiểu biết rõ về nghiệp vụ ngân hàng, sau khi Ngân hàng Công thương nhận hồ sơ mở tài khoản của khách hàng, Huyền Như đã lập hồ sơ mở tài khoản giả, chữ ký giả, dấu giả để đánh tráo hồ sơ mở tài khoản do khách hàng lập. Sau khi khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của khách hàng tại Ngân hàng Công thương, Huyền Như lập lệnh chi giả, lệnh chuyển tiền giả để chiếm đoạt tiền trên tài khoản tiền gửi của khách hàng tại Ngân hàng Công thương.[7]

Với thủ đoạn như vậy, Huyền Như đã làm giả 127 lệnh chi, chiếm đoạt 1.598 tỷ từ tài khoản tiền gửi của ba công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng yên, 50 tỷ đồng của hai cá nhân Nguyệt và Bé Năm.[7]

Giả chứng từ để chuyển tiền, rút tiền

Huyền Như đã dùng chữ ký giả, dấu giả lập các lệnh chi, chứng từ chuyển tiền, rút tiền chiếm đoạt tiền gửi tại Ngân hàng Công thương, chiếm đoạt 210 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty CP CK Saigonbank-Berjaya (SBBS), chiếm đoạt 550,35 tỷ từ tài khoản của Công ty Phương Đông và Công ty An Lộc.

Huyền Như còn tự ý lập 16 thẻ tiết kiệm với số tiền hơn 81 tỷ đứng tên khách hàng gửi tiền, làm giả 16 Lệnh chi, ký giả chữ ký của 9 chủ thẻ tiết kiệm này để rút tiền, chiếm đoạt.

Chiếm đoạt

Từ tháng 5-2010 đến 11-2011, ACB của Bầu Kiên ủy thác cho 19 nhân viên gửi tổng cộng gần 719 tỷ đồng vào VietinBank (Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP HCM) với lãi suất từ 17,8% - 18,5%/năm song bị Huyền Như chiếm đoạt toàn bộ.[3]

Huyền Như tự ý chuyển đi trên hệ thống máy tính, chiếm đoạt gần 125 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty cổ phần bảo hiểm Toàn cầu.

Huyền Như còn huy động rất nhiều tiền của các môi giới, nhà đầu tư cổ phiếu OTC (thị trường cổ phiếu chưa niêm yết), bất động sản với lãi suất 5%/tháng để thực hiện các dịch vụ đáo nợ ngân hàng, nhưng thực chất để lừa đảo, quỵt nợ.[8]

Dùng hồ sơ giả để vay tiền của Ngân hàng Công thương

Theo kết luận điều tra, Huyền Như tự ý giả chữ ký, lập 83 thẻ tiết kiệm do Ngân hàng Công thương phát hành trị giá 533,55 tỷ đồng đứng tên các khách hàng gửi tiền. trên cơ sở hợp đồng tiền ký gửi với Vietinbank, các nhân viên Ngân hàng ACB, ngân hàng Nam Việt đã chuyển tiền vào tài khoản của từng người mở tại Ngân hàng Công thương. Sau đó Huyền Như sử dụng trái phép các thẻ tiết kiệm này làm tài sản bảo đảm, lập hợp đồng vay tiền giả, ký giả chữ ký của chủ thẻ để vay 514,54 tỷ đồng tại 2 phòng giao dịch Điên Biên Phủ và Đinh Tiên Hoàng thuộc Ngân hàng Công thương TP.HCM.[9]

Các cán bộ của Phòng giao dịch Ngân hàng Công thương đã vi phạm quy định về cho vay, đề xuất lãnh đạo duyệt cho vay, ký hợp đồng cho vay mà không có mặt của người vay hoặc người bảo lãnh tại Ngân hàng.[9]

Sau khi biết bị Huyền Như lừa, Ngân hàng Công thương vẫn dùng số tiền từ thẻ tiết kiệm đã được cầm cố để thu hồi các khoản nợ đã cho vay sai mà không có sự đồng ý của chủ thẻ tiết kiệm.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như http://www.doisongphapluat.com/phap-1uat/an-ninh-h... http://www.doisongphapluat.com/phap-1uat/ho-so-vu-... http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/toa-toi-cao... http://nld.com.vn/phap-luat/sieu-lua-chiem-doat-cu... http://nld.com.vn/phap-luat/tra-ho-so-vu-huynh-thi... http://nguoidothi.vn/vn/news/kinh-doanh/tai-chinh/... http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/662242/Chua-ro-Huy... http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Phap-luat/57064... http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Phap-luat/59025... http://tuoitre.vn/Kinh-te/525047/acb-thiet-hai-hon...